1

1

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Logo “Vũ khí tối thượng” để xây dựng thương hiệu

Logo “Vũ khí tối thượng” để xây dựng thương hiệu


Logo là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra hình ảnh của một thương hiệu. Chính vì thế, khi hoạch định chiến lược kinh doanh, các doanh nhân luôn dành nhiều thời gian để xây dựng nên một logo ấn tượng và ý nghĩa.

Cách đây hai năm, Barack Obama còn là người khá “vô danh” trên chính trường nước Mỹ. Nhưng giờ đây, ông đã vươn tới vị trí quyền lực nhất của đất nước này. Thành công của Obama đến từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có một yếu tố tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng lại đóng vai trò quan trọng: logo cho chiến dịch tranh cử.
Câu chuyện đó cho thấy việc xây dựng một logo “đi vào lòng người” đóng vai trò quan trọng như thế nào.

Hình thức sơ khai nhất của logo (tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “từ” hay “lời nói”) ra đời cách đây hơn 3.000 năm. Khi đó, con người đã dùng chữ tượng hình để truyền đạt thông tin. Đến cuối thế kỷ 19, đầu 20, những logo hiện đại đầu tiên xuất hiện. Đó là logo của công ty Bảo hiểm Prudential và RCA. Ngày nay, logo trở nên phổ biến đến mức trẻ em có thể nhận diện logo của các công ty nổi tiếng trước khi chúng biết nói!

Logo là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra hình ảnh của một thương hiệu. Chính vì thế, khi hoạch định chiến lược kinh doanh, các doanh nhân luôn dành nhiều thời gian để xây dựng nên một logo ấn tượng và ý nghĩa.

Một logo muốn “đi vào lòng người” phải có khả năng truyền đạt thông tin mạnh mẽ và ấn tượng, hình thức bắt mắt. Logo chiến dịch tranh cử của Obama là một ví dụ điển hình: bên trong chữ O (tên viết tắt của Obama) là những sọc đỏ hơi vồng lên giống như những vùng đất nông nghiệp rộng mênh mông của nước Mỹ (tượng trưng cho đất nước Mỹ) vừa gợi nhớ đến quốc kỳ Mỹ (tượng trưng cho lòng yêu nước) và một hình bán nguyệt màu xanh dương giống mặt trời mọc (tượng trưng cho niềm hy vọng).

Trong ngành công nghiệp giáo dục Việt Nam, logo của nhiều nhà đào tạo cũng đã truyền tải khá thông minh thông điệp truyền thông của doanh nghiệp. Logo của TalentLink là một ví dụ. Không chọn biểu tượng là quyển sách hay cây bút – vốn gắn liền với giáo dục – TalentLink chọn hình ảnh mũi tên được kết nối bởi một nhóm người cùng nhìn về một hướng. Thông điệp truyền tải rất rõ ràng và gắn kết với sứ mệnh của công ty: TalentLink làm việc vì mục tiêu đào tạo tài năng Việt. Một hình thức truyền tải thông điệp thông minh khác của logo: dùng ý niệm văn hóa làm “người chứng thực” cho chất lượng hoạt động của công ty – logo của nhà đào tạo Sibme. Chữ S được cách điệu như hình ảnh của con Rồng đầu Sư Tử – biểu tượng của quốc gia Singagore truyền tải cùng 1 lúc 3 thông điệp : tên công ty, nhà đầu tư trường và sự chứng thực về chất lượng đào tạo như ở Singapore.

Logo rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nên việc thiết kế logo nên được tiến hành theo một quy trình. Vậy làm thế nào để xây dựng một logo “đi vào lòng người”?

Giai đoạn 1: Tìm ý niệm chung về logo

Tìm ý niệm chung về logo chính là tìm ra hình ảnh về sản phẩm hay dịch vụ mà khách hàng có thể hình dung qua logo. Bạn có thể nghĩ đến một vật đơn giản liên quan đến ngành nghề bạn kinh doanh như một chiếc máy tính, một mũi tên đang lao về phía trước…

Giai đoạn 2: Thiết kế logo

Nếu bạn sử dụng dịch vụ thiết kế:
Hãy trình bày thật rõ ràng với những người thiết kế về ý niệm chung về logo, thông điệp chính muốn truyền đạt, ngành kinh doanh của bạn, khách hàng mục tiêu và phong cách bạn muốn có ở logo.
Nếu bạn tự thiết kế thì có thể tiến hành theo các bước sau:

* Bước 1: Chọn loại logo. Có 3 loại logo cơ bản là logo mang tính minh họa (mô tả cụ thể về ngành nghề kinh doanh của công ty) như Coca- Cola, logo đồ họa (logo gồm một hình ảnh được cách điệu kết hợp với tên công ty) như BMW, logo chữ (logo có tên công ty được cách điệu) như Dell. Bạn có thể dùng một loại hoặc kết hợp chúng trong một mẫu thiết kế.

* Bước 2: Chọn hình dạng logo, kiểu chữ (font) và màu sắc. Đầu tiên bạn nên chọn một hình “thô” phù hợp với ý niệm chung mà bạn đã nghĩ ra rồi chỉnh sửa cho đến khi tìm ra giải pháp tối ưu. Nếu bạn muốn thêm chữ vào logo thì nên chọn font chữ rõ ràng, dễ đọc. Sau đó, chọn màu phù hợp để làm nổi bật hình dạng của logo nhưng đừng quá lòe loẹt.

* Bước 3: Thêm hiệu ứng. Nếu muốn quảng bá thương hiệu cả online và offline thì bạn có thể thêm một số hiệu ứng vào logo như 3D nhưng chỉ nên dùng ở mức hợp lý nếu không khách hàng sẽ bị “hoa mắt”!

Giai đoạn 3: Duyệt lại logo

Bạn hãy “ngắm nghía” thật kỹ xem logo thành phẩm đã đáp ứng được những yêu cầu đề ra lúc đầu hay chưa. Có thể khảo sát để ý kiến được khách quan. Chỉ khi nào bạn thấy thật ưng ý thì mới hãy bắt đầu sử dụng logo này.

Thế giới đang biến đổi nhanh chóng vì thế bạn nên định kỳ duyệt xét logo của công ty mình để xem nó còn thật sự là biểu trưng cho công ty và sản phẩm của công ty không. Bạn có thể chỉnh sửa về hình ảnh và ngôn từ để tăng hiệu quả của logo nhưng không nên thay đổi thông điệp nguyên thủy mà logo truyền tải. Ngoài ra cần lưu ý là muốn logo phát huy được hết sức mạnh của mình thì trước hết doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng thương hiệu tổng thể đúng đắn. Đặc biệt, bản thân sản phẩm của doanh nghiệp phải đạt chất lượng cao. Một logo dù tuyệt vời đến đâu cũng không thể cứu nổi hình ảnh thương hiệu khi chất lượng sản phẩm quá tệ.

Theo vietnamskills.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét